Ngón tay cò súng bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là khi gấp khớp liên đốt ngón, trẻ không tự duỗi đốt xa của ngón cái trở về bình thường được.
Tổng quan:
- Ngón tay cò súng bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là khi gấp khớp liên đốt ngón, trẻ không tự duỗi đốt xa của ngón cái trở về bình thường được, hoặc có cảm giác lật cật khi gân chạy qua ròng rọc A1 bị chật.
- Nguyên nhân thường không rõ ràng.
Chẩn đoán:
- Trẻ thường được phát hiện muộn do cha mẹ không để ý kỹ. Hầu hết trẻ đến khám được cha mẹ phát hiện do ngón tay cái thường ở tư thế gấp và khó hoặc không duỗi được.
- Khám lâm sàng ở giai đoạn sớm có thể phát hiện được bướu Notta bằng cách sờ thấy một cục gồ lên dưới da gan tay ở ngang mức khớp đốt bàn do sự phì đại của ròng rọc A1.
Giai đoạn:
- Không có hiện tượng cò súng, chỉ sờ được bướu Notta.
- Hiện tượng cò súng quan sát được khi duỗi ngón chủ động.
- Không duỗi ngón chủ động được, hiện tượng cò súng quan sát được khi duỗi ngón thụ động.
- Ngón cái ở tư thế gấp khớp liên đốt và không thể duỗi ra được.

Hình ảnh Bướu Notta
Điều trị:
- Có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
- Có đến 63% trẻ có ngón tay cò súng tự hết trong 4 năm. Với các trường hợp nặng, cần phối hợp với bó bột và các bài tập duỗi. Tuy nhiên hiệu quả chưa rõ ràng.
- Phẫu thuật được đặt ra ở những trường hợp phát hiện muộn và ở giai đoạn nặng (III, IV) nhằm giải phóng ròng rọc A1. Nhìn chung, trước khi điều trị phẫu thuật nên điều trị bảo tồn trước, nếu không hiệu quả hoặc không cải thiện thì mới nên chỉ định phẫu thuật.
Tác giả bài viết: BS. Vũ Tú Nam